Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Rừng quế 'của để dành' của người Giẻ Triêng

Người đăng: Nguyễn Hữu Ngày đăng: 17:51 | 10/11 Lượt xem: 3464

Người dân Giẻ Triêng ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn trồng quế qua nhiều thế hệ để làm "của để dành" cho con cháu.

Đứng trước đồi quế bạt ngàn với những thân cây cao hơn 10 m, mọc san sát, anh Hồ Văn Sơn (thôn 2, xã Phước Thành) cho hay, rừng quế này trồng hơn 20 năm, khoảng 1.000 cây trên diện tích một ha.

Theo anh Sơn, những người trẻ ở Phước Thành không biết cây quế được trồng ở địa phương từ bao giờ. Họ chỉ nghe kể lại rằng, rừng quế trên địa bàn được lấy giống từ vùng quế Trà My - cách xã Phước Thành vài giờ đi bộ đường rừng.

"Cha tôi trồng những cây quế đầu tiên, rồi nhân rộng dần và để lại cho con cháu chăm sóc. Mỗi năm cây cho hạt, tôi lại lấy giống mở thêm diện tích", anh Sơn nói.

Ông Sơn đo một cây quế có đường kính gần 40 cm. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Sơn đo một cây quế có đường kính gần 40 cm. Ảnh: Đắc Thành.

Anh Sơn cho hay, người Giẻ Triêng có tập tục trồng quế trên núi và quanh vườn nhà. Người ít thì vài chục cây, nhiều vài nghìn cây. "Giá vỏ quế hiện nay khoảng 60.000 đồng một kg, nếu thu hoạch thì nhiều gia đình có tiền tỷ. Song chúng tôi coi cây quế là của để dành. Khi có việc cần thiết mới bán một ít chi tiêu, còn không cứ để cây phát triển thế hệ này qua thế hệ khác", anh nói.

Trên diện tích 3 ha, gia đình bà Hồ Thị Đông (57 tuổi, thôn 2) trồng 3.000 cây quế với đủ lứa tuổi, cây lớn nhất 40 năm tuổi, cây ít thì 1 năm tuổi. "Cách đây hơn 40 năm, cha tôi vượt đường rừng qua Trà Leng (Trà My) tìm giống mang về trồng. Khi cha qua đời thì con cháu giữ gìn, mở rộng diện tích", bà Đông nói.

Một vườn quế của người dân. Ảnh: Đắc Thành.

Một vườn quế của người dân. Ảnh: Đắc Thành.

Hiện bà Đông sống trong căn nhà gỗ năm gian lớn nhất thôn, được xây dựng từ năm 2014 nhờ tiền bán 2 ha quế. "Nếu không có cây quế thì không biết lúc nào chúng tôi mới dựng được căn nhà vững chãi để ở", bà Đông cho hay.

Theo bà Đông, ở xã vùng cao Phước Thành, quế là loại cây trồng phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao nhất. "Đồi núi dốc, giao thông khó khăn nên có trồng gỗ keo cũng không có ai mua", bà nói và cho biết thêm, xác định quế là "cây để dành" nên người dân địa phương ít khi khai thác tràn làn. "Lúc nào có người trong gia đình ốm đau, cưới vợ, gả chồng... cần tiền thì mới bán quế để trang trải", bà Đông nói.

Vườn quế của bà Đông có nhiều cây cổ thụ nên đến mùa thu hạt, người dân trong vùng thường qua xin hạt về ươm giống. "Chúng tôi luôn chia sẻ để giúp nhau phát triển kinh tế", bà cho hay.

Cây quế được người dân xã Phước Thành trồng quanh vườn, phủ xanh làng mạc. Ảnh: Đắc Thành.

Cây quế được người dân xã Phước Thành trồng quanh vườn, phủ xanh làng mạc. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Hồ Văn Phức, Phó chủ tịch xã Phước Thành cho hay, toàn xã có gần 300 ha trồng quế, diện tích lớn nhất huyện Phước Sơn; một ha quế 15 năm hiện có giá trên 100 triệu đồng, còn loại 20 năm thì 150 triệu đồng. "Đây là số tiền bình thường ở dưới xuôi, nhưng với vùng cao Phước Thành là tài sản rất lớn", ông Phức nói.

Xã Phước Thành cách trung tâm huyện Phước Sơn gần 50 km, diện tích tự nhiên trên 6.000 ha. Nơi đây có 405 hộ dân tộc Giẻ Triêng sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu. 

Tác giả: Đắc Thành

Nguồn tin: https://vnexpress.net/


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Sản phẩm

Tư vấn trực tuyến



Trung tâm Quế Trà My
Địa chỉ: Xã Trà Mai, Huyện Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 02353605009 - Hotline: 0988397707
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)